Bạn đã bao giờ đến thăm Nhà thờ Khoái Đồng chưa?

Nếu chưa, thì khi nào bạn tới thành phố Nam Định, hãy một lần tới thăm ngôi Thánh đường này!
Bởi đây là một công trình kiến trúc mang nhiều dấu ấn lịch sử của Giáo hội Công giáo Việt Nam nói chung và của con cái giáo phận Bùi Chu nói riêng.

Có thể nói: nhà thờ Khoái Đồng và lịch sử Giáo xứ Khoái Đồng - Giáo phận Bùi Chu là một dấu tích của Tình Yêu Thiên Chúa đối với Giáo phận Bùi Chu, đồng thời cũng là một Mầu nhiệm về Ngôi Hai xuống thế làm người, chịu chết vì nhân loại và sự Phục Sinh vinh quang của Ngài!


Đọc tài liệu và tham khảo Bách Chu Niên 4 Chân Phước Tử Đạo Tại Hải Dương (1861-1961) mục Trên Sông Vị Hoàng thì biết như sau:
Nhà thờ Khoái Đồng, một ngôi Thánh đường đồ sộ được xây dựng ngay bên bờ hồ lớn Nam Định. Nhà thờ do các cha Dòng Đaminh xây cất nhờ sự tham gia cộng tác đắc lực của giáo dân. Nhà thờ được khởi công xây dựng năm 1934 cùng với Giáo Hoàng Chủng Viện Thánh Alberto Cả và trường Sư phạm Saint Thomas – Nam Định. Vào dịp Lễ Sinh Nhật năm 1941 một Thánh Lễ Misa được cử hành long trọng lần đầu tiên tại đây. Nhà thờ dâng kính Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo là vì Thánh đường này được xây dựng trên bờ sông Vị Hoàng, nơi hàng vạn anh hùng ẩn danh đã hy sinh tính mạng vì Đức Tin và vì Giáo Hội Việt Nam. Nhà thờ có diện tích 5.800 m2 do các cha Đaminh người Tây Ban Nha điều hành.
Từ năm 1952-1954, cha G.B. Trần Mục Đích O.P., Dòng Đaminh là người Việt Nam về làm phó xứ. Sau biến cố lịch sử 1954, các linh mục ngoại quốc về nước, cha Đích vào Nam. Từ 1956-1958 nhà thờ Khoái Đồng không có linh mục phụ trách.
Năm 1959, MTTQ Nam Định cử linh mục Đaminh Lâm Quang Học ở xứ Giáo Lạc - Nghĩa Hưng về coi sóc giáo xứ Khoái Đồng cho đến năm 1963 thì qua đời. Trong giai đoạn này, TGM Bùi Chu có thư mời nhờ linh mục Đinh Lưu Nhân thuộc nhà thờ Lớn Nam Định sang giúp mục vụ. Vì hoàn cảnh chiến tranh, nhà thờ Khoái Đồng không có linh mục về phục vụ nữa, giáo dân thì sơ tán, một số tài sản, bàn ghế, đồ lễ bị thất lạc, riêng chuông nhà thờ được đưa gởi tại nhà xứ Tứ Trùng, xã Hải Tân, huyện Hải Hậu, thành phố Nam Định.
Năm 1988, Uy Ban vận động những người công giáo, Tỉnh và Uỷ Ban Mặt Trận Thành Phố đứng ra tổ chức họp và cho xí nghiệp may 1-7 (nay là xí nghiệp may Sông Hồng) làm cơ sở sản xuất.
Hiện nhà thờ đã xuống cấp và hư hỏng nhiều.
Từ năm 1994 đến nay, TGM Bùi Chu và giáo dân xứ Khoái Đồng đã nhiều lần làm đơn gởi UBND Tỉnh, Thành Phố và các Cấp để xin lại nhà thờ Khoái Đồng.
Năm 1998, Đức cố Giám mục Giuse Maria Vũ Duy Nhất cũng gởi đơn đề nghị UBND Tỉnh và các ban ngành xin lại nhà thờ.
Năm 2002 Đức Giám Mục Giuse Hoàng Văn Tiệm cũng gởi đơn lên các cấp chính quyền Tỉnh và thành Phố xin lại nhà thờ để sửa chữa, mục đích cho giáo dân đến dự Lễ.
Mãi đến ngày 17 tháng 09 năm 2009, Tòa Giám Mục nhận được thông báo của UBND tỉnh Nam Định, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ Tướng Chính Phủ tại công văn số 465/VPCP-NC, ngày 09.05.2008 của văn phòng chính phủ về việc đồng ý giao nhà thờ Khoái Đồng kèm theo quyền sử dụng đất cho giáo Hội Công Giáo (Tòa Giám Mục Bùi Chu) để sử dụng vào mục đích tôn giáo theo chỉ đạo của Thủ Tướng Chính Phủ.
Ngày Hồng Ân đã đến, ngày 07.11.2009, TGM Bùi Chu và toàn thể cộng đoàn giáo hữu Khoái Đồng vui mừng nhận được tin trao trả nhà thờ và một phần đất của Công ty may Sông Hồng quản lý. Và tới hôm nay, phần còn lại, thành phố Nam Định vẫn chưa trao lại cho Tòa Giám Mục.
Vâng, đã hơn 50 năm gián đoạn, hôm nay đoàn chiên nhỏ bé Khoái Đồng quy tụ vui mừng cùng Mẹ Giáo Phận, tạ ơn Chúa, hân hoan vì Khoái Đồng đã hồi sinh và phấn khởi suy tôn Thánh Thể Chúa.

Nhà thờ đã tồn tại xuyên thế kỷ, trầm mặc và duyên dáng soi bóng bên bờ hồ Vị Xuyên êm đềm phẳng lặng. Hình ảnh này từ lâu đã đi sâu vào ký ức của biết bao thế hệ người Nam Định và trở thành một biểu tượng của Thành Nam. Đây có lẽ là nhà thờ có kiến trúc mái vòm sớm nhất tại Việt Nam. Tên gọi chính thức là Nhà thờ thánh Nicholas, là một trong 2 nhà thờ ở Việt Nam thờ thánh Nicholas (cùng với nhà thờ Con Gà - Đà Lạt). Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, hiện nay nhà thờ đã xuống cấp, tuy nhiên nó vẫn giữ được vẻ quyến rũ đến khó quên. Hiện nay, nhà thờ đang được các cha các thầy dòng Đaminh trùng tu. Trong thời gian sắp tới nhà thờ sẽ trở về nguyên trạng kiến trúc ban đầu.

Chúng ta hãy cùng dâng lời Tạ Ơn Chúa và Hãy cùng ngắm nhìn vẻ đẹp duyên dáng và quyến rũ của nhà thờ Khoái Đồng qua một số hình ảnh sau: